Kinh nghiệm mua máy lạnh – Ông Trịnh Văn Tuyến, chủ cửa hàng điện lạnh Ánh Dương (Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Mua vài bộ thì lúc nào cũng có hàng nhưng mua nhiều hơn thì phải đặt cọc trước. Hàng máy cũ bây giờ khó tìm hàng”. Ở cửa hàng này, tuỳ nhãn hiệu và công suất mà giá dao động từ 3,1 triệu cho tới 5,5 triệu đồng. Cùng công suất 1,5 mã lực, giá thấp nhất là Mitsubishi, và cao nhất là Toshiba Inverter, với giá tương ứng là 3,1 triệu đồng và 4,2 triệu đồng. Loại 2 mã lực có giá trên 5 triệu đồng như Toshiba 2HP, giá 5,5 triệu đồng.
Không chỉ hết hàng mà nhiều model máy lạnh mới tại các siêu thị điện máy còn lên giá. Thấp thì vài trăm ngàn đồng như hàng của Electrolux, Samsung, LG… Có nhiều model máy lạnh của Panasonic lại lên giá đến 1 triệu đồng mà vẫn không có hàng để mua. Nhiều khách hàng quay sang chọn máy lạnh cũ… để chống lại mùa nóng đang gay gắt.
Tại cửa hàng Thanh Tâm (Tân Bình, TP.HCM) không còn nhiều hàng chỉ còn một vài mẫu công suất 1 mã lực như: Panasonic và Toshiba, với giá tương ứng là 4,2 triệu đồng và 3,2 triệu đồng. Cũng theo chủ cửa hàng Thanh Tâm, những chiếc máy này có giá cao, dù là hàng đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn khoảng 80%. Ở cả hai hiệu trên, thời gian bảo hành là một năm.
Theo lời ông Sỹ, chủ cửa hàng Phú Sỹ (Tân Bình, TP.HCM), khác với mọi năm, mùa nóng năm nay những chiếc máy lạnh cũ lại bán được hàng. Ông nói: “Bây giờ tôi chỉ còn một bộ hoàn chỉnh và một đầu lạnh. Cả tháng nay, về được chiếc nào, có người hỏi mua ngay chiếc đó”. Theo ông, khách muốn mua phải đặt cọc, vài ngày sau mới có hàng. Ngoài chuyện máy mới hết hàng, theo ông Sỹ, giá máy cũ thường bằng nửa giá máy mới là một yếu tố khiến loại hàng này bán chạy năm nay. “Không phải ai cũng đủ tiền để mua máy mới. Chênh lệch 1 triệu đồng là lớn lắm. Tôi biết những chiếc máy lạnh Panasonic mới bây giờ không còn hàng”, ông chủ cửa hàng Thanh Tâm lý giải.
Nguồn máy cũ được các đầu mối gom về, phân loại và bán cho cửa hàng sửa chữa, tân trang, đánh bóng trước khi bán cho khách. Theo lời tư vấn của ông Sỹ, dù “tiền nào của nấy” nhưng khi mua máy cũ, hoặc là chọn những cửa hàng quen thuộc hoặc là nhờ người có hiểu biết về nhóm hàng điện lạnh đi cùng để kiểm tra hàng. Có những chiếc máy, khi kiểm tra có độ lạnh rất tốt nhưng sau một thời gian ngắn, lại hết lạnh. Ông Sỹ phân tích: “Bề ngoài là vỏ của những thương hiệu lớn với những lời cam kết hàng xịn, hàng tốt nhưng bên trong lại sử dụng linh kiện của Trung Quốc. Chạy được vài ngày là ngủm. Mỗi lần bảo hành, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bồi dưỡng. Chỉ có dân trong nghề mới biết được chất lượng máy như thế nào”.
Theo ý kiến của kỹ sư Nguyễn Lâm (quận 11, TP.HCM), cũng như những mặt hàng điện lạnh khác, máy lạnh sẽ giảm tuổi thọ theo thời gian sử dụng. “Dù thương hiệu đó có sản phẩm tốt như thế nào, khi sử dụng máy cũ đều gặp những hiện tượng như: máy kêu to, độ lạnh không đạt theo yêu cầu, bộ phận điều khiển bị lỗi một vài chức năng…”, kỹ sư Lâm nói. Vị kỹ sư này còn cho biết: vì linh kiện cho máy lạnh khan hiếm nên những chiếc máy lạnh đã qua sử dụng thường bị trường hợp “đầu Ngô mình Sở”: những chiếc máy lạnh không còn sử dụng cũng được các cửa hàng mua để rã lấy linh kiện thay thế. Trong trường hợp không có linh kiện thay thế, thợ buộc phải “chế và độ” nên chất lượng máy cũ “phập phù”.