Doanh nghiệp nội thất: Xoay theo bão

Thị trường nội thất – Năng nhặt chặt bị; nỗ lực tìm kiếm bạn hàng mới; “đi” đều bằng cả hai chân xuất khẩu và tiêu thụ nội địa… là cách thức đang được các doanh nghiệp đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ áp dụng. 

Có lẽ do đặc thù sản xuất những mặt hàng không phải loại “nhu yếu phẩm” nên ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ đang phải vất vả đối phó với tình trạng cầu sụt giảm mạnh hơn bao giờ hết.

Chăm chỉ đi chợ “nội”

Cách đây 3-4 năm, khi tình hình buôn bán thuận lợi, chỉ tính riêng thị trường Mỹ, hàng tháng Nhất Nam đã xuất khẩu khoảng từ 15-18 container đồ gỗ nội thất. Bên cạnh Mỹ, thị trường nước ngoài với các khách hàng khác như: Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản…là thị trường chủ lực, luôn chiếm khoảng 80% thị phần công ty. Chỉ 20% thị phần còn lại dành cho khách hàng nội địa.

Kinh tế khó khăn, doanh số của Nhất Nam vừa qua giảm 20% so với trước khủng hoảng. Không thể chỉ “đi” bằng một chân xuất khẩu, doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng, chú trọng phát triển thị trường nội địa, trước hết thông qua việc tham gia các kì hội chợ. “Trước đây, Nhất Nam chỉ tham gia hội chợ đồ gỗ. Bây giờ kể cả hội chợ hàng tiêu dùng công ty cũng tham gia, nhằm quảng bá hình ảnh và gia tăng khách hàng nội địa, đặc biệt là giữ chân những khách hàng trung thành”. Chị Thanh Trúc, Phó Tổng giám đốc Nhất Nam cho biết, Công ty đặt chỉ tiêu gia tăng thị phần nội địa lên 40% thay vì 20% như trước đây.

>> Sua may lanh quan 4

Thường xuyên đi hội chợ cũng là cách giúp công ty nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để cho ra đời những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã và giá cả phù hợp. Theo chị Thanh Trúc, thông thường khách đến tham quan mua sắm ở hội chợ là những người có thu nhập từ trung bình đến khá. Sản phẩm của công ty tại đây giới thiệu rất đa dạng để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, tuy kinh tế có khó khăn, nhưng khuynh hướng “ăn chắc mặc bền” đã không còn phù hợp. Những sản phẩm nội thất để trang hoàng nhà cửa cũng cần được thiết kế sang trọng với giá cả phải chăng để người dân dễ dàng “đổi mốt” mà không thấy quá lãng phí khi phải bỏ đi những món đồ mắc tiền nhưng đã lỗi thời.

Năng nhặt chặt bị

Tác động của suy giảm kinh tế đối với Công ty TNHH Sài Gòn Palm, đơn vị có hơn chục năm trong nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình và lá buông, còn đáng sợ hơn đối với Nhất Nam: lượng tiêu thụ giảm 50 – 60% so với thời kỳ thuận lợi. Ông Lê Phúc Thịnh, Giám đốc Công ty cho biết, trước đây mỗi tháng công ty xuất đi thị trường châu Âu và Mỹ 5 – 6 container thì bây giờ con số này chỉ dao động trong khoảng 2 – 3 container.

Vào thời điểm việc sản xuất thuận lợi, Sài Gòn Palm có điều kiện để chọn lựa khách hàng và những đơn hàng lợi nhuận cao. Công ty cũng thường xuyên tham dự các kì hội chợ quốc tế để giới thiệu, quảng bá và chào bán sản phẩm. Lúc khó khăn, ông Phúc Thịnh cho hay, việc tìm kiếm khách hàng càng được đẩy mạnh hơn, nhưng bằng phương pháp tìm kiếm trên mạng internet vì công ty không có kinh phí để tham gia các kì hội chợ.

Để giữ chân công nhân, duy trì hoạt động sản xuất, Sài Gòn Palm không còn kén chọn đơn hàng mà sản xuất với phương châm có khách hàng là đáp ứng nhu cầu. Có những đơn hàng mà 1 container chỉ lời vài triệu đồng, thậm chí đơn hàng giá thấp, số lượng ít, doanh nghiệp không có lợi nhuận, nhưng vẫn phải nhận làm để giữ chân công nhân và giữ chân khách hàng. “Dù khách hàng chỉ đặt một bộ sản phẩm chúng tôi vẫn nhận”, ông Phúc Thịnh cho hay.

Bên cạnh đó, Sài Gòn Palm còn nhận làm gia công cho các doanh nghiệp khác với giá rẻ. Sài Gòn Palm còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, chẳng hạn như tặng rổ đựng hoa quả bằng lục bình cho khách hàng hay tăng độ dày của lớp đệm trên bộ salon lên 15cm thay vì 12 cm như trước đây… mà giá bán vẫn giữ nguyên. Phần chi phí nguyên liệu tặng thêm, công ty chấp nhận bù lỗ.

Hướng về châu Á

Nhận thấy những khó khăn ở thị trường châu Âu, mấy năm trở lại đây doanh nghiệp Ánh Tân Cương quyết định đẩy mạnh việc cho ra đời những sản phẩm có kiểu dáng và kích cỡ nhỏ gọn, phù hợp với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… và sử dụng thương mại điện tử để tiếp cận những thị trường không phải là truyền thống này. Nhờ vậy, 40% doanh số công ty ở thị trường châu Âu đã chuyển sang thị trường châu Á, giúp công ty vẫn đảm bảo mức tăng trưởng doanh số, mặc dù mức tăng không cao, chỉ khoảng 5%.

Điểm mấu chốt để khắc phục khó khăn là đa dạng hóa thị trường. Ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Công ty Ánh Tân Cương cho hay, chính sách của công ty là không tập trung nhiều vào khách hàng rất lớn hay ở một vài thị trường nhất định. Công ty chú trọng phát triển khách hàng vừa và nhỏ ở nhiều quốc gia khác nhau. Hiện tại, khách hàng của Ánh Tân Cương đến từ trên 35 quốc gia. Điều này giúp công ty không phụ thuộc vào bất kỳ khách hàng hay thị trường nào, đồng thời giá bán sản phẩm cũng không quá thấp như những doanh nghiệp bị ép giá với những đơn hàng số lượng lớn.
theo: tinmoi.vn